Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Mỹ Lai .Chiến tranh, sản phẩm ghê rợn và bỉ ổi nhất mà con người đã và đang tạo ra nó trên trái đất này.
















Mỹ Lai Tôi post lại chùm ảnh của Ron Haeberle tuy rằng nó có thể làm bạn nào đó mất ngủ nhưng tôi nghĩ chúng ta nên nhớ và nhân loại nên nhớ những gì đã xảy ra. Chiến tranh, sản phẩm ghê rợn và bỉ ổi nhất mà con người đã và đang tạo ra nó trên trái đất này.Quang cảnh vụ thảm sát Mỹ Lai.Một người phụ nữ bị giết chết, mổ bụng.Xác 1 người phụ nữ và con.Nỗi hiếp hãi của những người phụ nữ và trẻ con trước khi bị giết.Xác một người nông dân và con trai.Xác 1 người bị giết bên ngoài 1 ngôi nhà đang bị đốt cháy.Xác 1 người đàn ông bị giết rồi vứt xuống giếng.Thông tin lại về vụ Mỹ Lai dành cho bạn nào chưa biết rõNgày 16 tháng 3 năm 1968 một nhóm quân nhân Mỹ (đại đội Charlie thuộc lữ đoàn bộ binh 11) dưới sự chỉ huy của người thiếu úy 24 tuổi William Calley nhận nhiệm vụ chiếm đóng làng Sơn Mỹ và tìm du kích Việt cộng. Các binh lính đã hãm hiếp phụ nữ và bắn chết gần như tất cả dân cư của làng: 503 thường dân, trong đó là 182 phụ nữ, 172 trẻ em, 89 đàn ông dưới 60 tuổi và 60 người già. Gần như không một quân nhân nào chống lại mệnh lệnh giết người. Chỉ có phi công trực thăng Hugh Thompson, bằng cách đe dọa sẽ bắn họ bằng súng máy của chiếc trực thăng, đã bắt buộc các quân nhân tha cho 11 người phụ nữ và trẻ em, những người được ông di tản đi. 30 năm sau, đội lái máy bay trực thăng đã được tặng thưởng Huy chương Quân nhân (Soldier’s Medal) cho hành động can thiệp này.Ngay sau vụ việc các sĩ quan chỉ huy đã tìm cách che đậy thảm sát này. Theo trình bày chính thức, tròn 20 thường dân đã chết không do cố ý trong lúc chiến đấu chống lại Việt Cộng. Chỉ đến ngày 5 tháng 12 năm 1969 mới xuất hiện một bài báo tường trình đầy đủ về vụ thảm sát trên tạp chí Life . Kế tiếp theo đó tạp chí Newsweek và Time cũng tường thuật về vụ việc này. Cả Thế giới đã bị sốc choáng váng. Thế mà chỉ có 4 quân nhân bị đưa ra xét xử ở tòa án quân sự. Sỹ quan chỉ huy Calley bị tòa tuyên xử lao động bắt buộc chung thân nhưng ngay sau đó đích thân tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon ân xá thành 3 năm quản thúc tại gia. Nhà báo Seymour Hersh, người phát hiện ra tình huống bi kịch này đã nhận giải thưởng Pulitzer về tường thuật quốc tế năm 1970. Tường thuật của ông được minh họa bằng hình của nhà nhiếp ảnh Ron Haeberle. Người nhiếp ảnh này đã tham dự vào chiến dịch dưới tư cách là phóng viên quân đội chính thức nhằm cung cấp chứng cứ cho cái được gọi là "đếm xác" (body count) của thống kê quân sự. Các xác chết được chụp đã được các sĩ quan nhận dạng là những người Việt Cộng đã hy sinh. Thế nhưng người ta không gặp một người Việt Cộng nào trong làng và cũng không gặp kháng cự nào. Mặc dầu vậy quân đội Mỹ rất hài lòng với cuộc hành quân, không có quân nhân Mỹ nào chết hay bị thương và 128 người chết của phía bên kia. Phải mất 1 năm Hersh mới tìm được một nhà xuất bản sẵn sàng công bố câu chuyện và hình ảnh của ông.Việc xuất bản này đã đánh dấu một bước ngoặt trong cảm nghĩ của công chúng về Chiến tranh Việt Nam, cả ở Mỹ lẫn trong toàn bộ thế giới phương tây và đã góp phần quyết định vào việc tổng động viên của phong trào chống chiến tranh.Trung uý Lieutenant William Calley, kẻ chỉ huy cuộc thảm sát.Diễn biến vụ xét xử Lieutenant William CalleyToà án quân sự xét xử William Calley tại Fort Benning, bang Georgia, bắt đầu ngày 17/11/1970. Công tố viên là đại tá Aubrey M. Daniel III, 28 tuổi, người còn ít kinh nghiệm. Luật sư biện hộ của Calley là George Latimer, một cựu quan toà quân sự. Theo cáo trạng bên quân đội, Calley đã “giết 109 người châu Á”. Chỉ một vài lính thuộc trung đội của Calley đồng ý ra làm chứng, còn lại từ chối. Các bức ảnh sống động của phóng viên chiến trường Haerberle cũng là bằng chứng sắc cạnh.Trong suốt quá trình xét xử, Calley tỏ ra là một người lính tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh. Hắn được sống trong một căn hộ riêng biệt tại doanh trại ở Fort Benning.Trong quá trình xét xử, ngày 11/1/1971, Paul Meadlo, 23 tuổi, một binh sĩ dưới quyền Calley thú nhận anh ta cùng Calley đã đẩy chừng gần 100 người xuống mương, chĩa súng máy nhả đạn liên tiếp vào phụ nữ, trẻ em, người già. “Tôi đứng bên cạnh Calley. Anh ta ra lệnh bắn. Anh ta đã xả hết 4 hay 5 băng đạn gì đó”, Meadlo kể lại. Dennis Conti, một nhân chứng khác cho biết, trong ngày khủng khiếp đó, Meadlo cuối cùng đã gần như bật khóc và không thể tiếp tục được nữa, nhưng Calley ép anh ta không được ngừng tay súng. Tất cả bằng chứng gộp lại cho thấy, Calley đã nạp 10-15 băng đạn, trong khi các nạn nhân rên siết dưới lòng mương, các bà mẹ ra sức che đạn cho con nhỏ...Khi Calley đứng lên tự biện hộ, hắn ngạo mạn cho rằng “giết người” là một phần công việc phá huỷ mọi thứ tại Việt Nam. Hắn nói: “Tôi không thể dừng lại cân nhắc xem chúng là nam, là nữ hay là trẻ con... Tôi thực hiện mệnh lệnh được giao và tôi không thấy có gì sai trái”. Luận điệu ấy lặp lại nhiều lần đã buộc đại uý Ernest Medina, thượng cấp của Calley, phải hầu toà. Ông ta phủ nhận mọi cáo buộc của Calley: “Không, anh (Calley) không được giết phụ nữ và trẻ con... Nếu họ có vũ khí và định bắt giữ anh thì anh mới có quyền bắn trả”.Bản án giữa đôi dòng dư luậnNgày 29/3/1971, toà án kết tội Calley giết chết ít nhất 22 người Việt. Sau khi nghe tội danh, hắn đã đứng thẳng dậy, hướng về chủ tịch bồi thẩm đoàn, nghiêm trang chào theo kiểu nhà binh. Ngày hôm sau, toà tuyên án tù chung thân và lao động khổ sai.Bản án khiến nhiều người không tâm phục khẩu phục. Một số cho rằng Calley chỉ là bia đỡ đạn cho các quan chức quân sự cấp cao, những người đáng lẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ thảm sát này. Tuy nhiên, dư luận Mỹ lại đòi chính quyền tha bổng cho Calley. Chỉ hai ngày sau, 1/4/1971, tổng thống Nixon đặc cách cho Calley chỉ phải chịu quản thúc tại gia trong khi tiến hành thủ tục phúc thẩm. Phản ứng lại ân chuẩn này, công tố viên Daniel đã gửi thư công khai chỉ trích tổng thống: “Quyết định của ngài thật sai lầm, vì như vậy sẽ khiến nhiều người Mỹ không nhận thức được khía cạnh đạo đức của vấn đề... Đó là, việc lính Mỹ bắn vào những người tay không và thiếu khả năng kháng cự là bất hợp pháp”.Vài năm tiếp theo, Calley vẫn tiếp tục được sống dưới mái nhà của mình. Hắn từng nói với phóng viên: “Tôi rất tự hào vì đã phục vụ quân đội Mỹ và tham gia trận Mỹ Lai”. Năm 1973, mức án của hắn được bộ trưởng Quân đội giảm xuống 10 năm. Ngày 9/9/1974, Calley được ân xá. Như vậy, hắn ta chỉ thụ án tại gia 3,5 năm và khoảng 1 tháng cho mỗi 10 người dân Mỹ Lai bị giết.Hiện nay, Calley sống ẩn dật tại Columbus, bang Georgia và làm việc cho cửa hàng trang sức của gia đình. Hắn từ chối các cuộc tiếp xúc với báo giới và tránh nhắc về Việt Nam. Ngược với Calley, Thompson đã trở về thăm lại mảnh đất Mỹ Lai và được dân làng nơi đây đón tiếp nồng hậu. Ông không ngại gặp gỡ báo chí với nụ cười rạng rỡ trên môi.Có lẽ hình phạt thích đáng nhất Calley và những tên tội phạm khác dấu mặt trước toà là nỗi ám ảnh Mỹ Lai dai dẳng suốt cuộc đời. Riêng với Calley, tên của hắn được lưu giữ trong lịch sử thế giới với cái mác của một kẻ giết người hàng loạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

MỜI CÁC BẠN NHẬN XÉT NỘI DUNG BLOG CỦA TÔI ĐỂ TÔI CÓ THỂ CẢI TIẾN CHO TỐT HƠN

Tìm kiếm

Được xem nhiều nhất

Lưu trữ Blog