Thứ Ba, 17 tháng 6, 2008

Đầu năm 2008 tăng lương tối thiểu

Đầu năm 2008 tăng lương tối thiểu


Không phải tất cả lao động đều được tăng lương.
Từ ngày 1/1/2008, lương tối thiểu của công chức sẽ tăng thêm 90.000 đồng, thành 540.000 đồng một tháng. Lương tối thiểu của doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tăng theo vùng, thấp nhất là 540.000 đồng, cao nhất tới 1 triệu đồng.

Ngày 16/11, Chính phủ đã ban hành ba nghị định 166,167,168 về lương tối thiểu chung và lương tối thiểu vùng. Theo đó, từ đầu năm 2008, công chức làm việc tại các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp của nhà nước sẽ hưởng lương tối thiểu chung là 540.000 đồng một tháng. Như vậy, một người mới tốt nghiệp ĐH, làm việc trong cơ quan nhà nước, hưởng hệ số lương 2,34 thì tổng lương sẽ là 1.263.000 đồng, tăng 210.000 đồng so với hiện nay.

Đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mức lương sẽ căn cứ theo vùng, nơi doanh nghiệp đóng trụ sở. Có 3 vùng, vùng 1 gồm các quận của Hà Nội, TP HCM. Vùng 2 gồm các huyện của Hà Nội, TP HCM, các quận của Hải Phòng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương). Vùng 3 là địa bàn còn lại.

Đối với doanh nghiệp trong nước, Chính phủ quy định lương tối thiểu của lao động làm việc tại vùng 1 sẽ là 620.000 đồng một tháng (tăng 38% so với hiện nay); vùng 2 là 580.000 đồng; vùng 3 là 540.000 đồng (tăng 20%). Đối với doanh nghiệp FDI, mức tăng 13-15% so với mức lương tối thiểu hiện nay, tương ứng 3 vùng là: 1.000.000; 900.000 và 800.000 đồng một tháng.

Chính phủ quy định rõ lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện làm việc bình thường. Nếu lao động đã qua học nghề (kể cả do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức quy định.

Trước đó, Vụ trưởng Tiền công Tiền lương Phạm Minh Huân cho rằng tăng lương tối thiểu không có nghĩa tất cả lao động đều được tăng lương. Để thu hút nhân lực, phần đông doanh nghiệp đã trả cao hơn mức lương tối thiểu sắp ban hành. Việc điều chỉnh lương tối thiểu lần này chỉ làm tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp. Hiện cả nước có khoảng 6 triệu lao động, trong đó doanh nghiệp FDI thu hút 1 triệu, doanh nghiệp nhà nước 2 triệu và doanh nghiệp dân doanh khoảng 3 triệu.

Riêng với lao động làm việc khu vực hành chính sự nghiệp (khoảng 1,5 triệu người), tăng lương tối thiểu chung đồng nghĩa nhà nước sẽ phải bỏ thêm một khoản ngân sách rất lớn. Trước đó, để tăng lương tối thiểu từ 350.000 lên 450.000 đồng, nhà nước đã phải chi trên 30.000 tỷ đồng.

Với cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong nước, đây là lần điều chỉnh lương lần thứ tư trong vòng 5 năm qua, từ mức 210.000, lên 290.000, 350.000, 450.000 và cuối cùng là 540.000 đồng một tháng. Với doanh nghiệp FDI, đây là lần điều chỉnh lương thứ hai. Hiện lương tối thiểu của doanh nghiệp FDI lần lượt là 870.000, 790.000 và 710.000 đồng, tương ứng với 3 vùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

MỜI CÁC BẠN NHẬN XÉT NỘI DUNG BLOG CỦA TÔI ĐỂ TÔI CÓ THỂ CẢI TIẾN CHO TỐT HƠN

Tìm kiếm

Được xem nhiều nhất